Dù loài người đã đạt đến những trình độ vượt bực về mọi mặt trong đời sống, chuyện người Việt và người Tàu cũng đã phân định rạch ròi… nhưng không ít gia đình, làng xóm vẫn còn thờ tự những nhân vật hết sức mù mờ khó hiểu. Quan Công có công trạng gì với người Việt Nam mà phải thờ tự?
Đang đọc cuốn sách “Gia Long phục quốc” thấy đoạn đối thoại giữa Hoàng tử Cảnh và thầy của mình là Lê Quang Định nói về Quan Công thì tôi xin chép lại đây, ngõ hầu có thể mở mang thêm chút gì cho bà con cô bác trong việc đời sống tâm linh.
“Bữa nọ, hoàng tử cưỡi ngựa đi chơi cùng với quan Hàn lâm Lê Quang Định vào làng thấy bên đường có một cái miếu đề: “Quan Thánh Quân”, liền quay lại hỏi:
- Cái miếu thờ Quan Thánh Quân là ai?
Lê Quang Định nói: Quan Thánh Quân tức là Quan Vân Trường.
Hoàng tử lấy làm lạ và nói: Ủa nầy, ta đọc truyện sử, thấy Quan Công là người ở đời nhà Hán bên nước Tàu, phò Lưu Tiên Chúa, không có công nghiệp gì vời nước mình, mà sao dân ta lại thờ người ngoại quốc?
Lê Quang Định ngẫm nghĩ rồi nói: Thiệt Quan Công là người nước Tàu, không có công nghiệp chi cùng nước ta nhưng cái tục dua mị của đám nhơn dân ta đã quen rồi, thấy ai thờ gì thì bắt chước thờ nấy, song không hiểu thờ ấy là gì hết cả.
Hoàng tử nói: Nếu vậy thì dân ta không hiểu Quan Công là người ngoại quốc sao?
Lê Quang Định nói: Phần nhiều là đờn bà và những kẻ dốt nát, thiệt không biết người Tàu qua đây lập chùa cất miếu thờ phượng Quan Công thì bắt chước thờ theo; nhưng không chịu bươi móc cái trí thức sáng láng của mình ra mà kiếm tìm một lý tưởng, suy xét việc cho thấu đáo, nên hiểu lầm và tín ngưỡng dị đoan: khúc gỗ cũng gọi rằng thần, cục đá cũng tôn là Phật. Hễ có sổ mũi nhức đầu, vang mình sốt mẩy điều chi thì đem ba cái tiền vàng bạc đến hối lộ với quỷ thần phò hộ mách bảo. Ấy là một sự tín ngưỡng tà mị dị đoan, nó làm mê muội trí thức của con người và làm sỉ nhục thần thánh; chớ không hiểu cái thờ là để kính trọng những người có công nghiệp với nước nhà hay là những người có làm lợi cho nhơn quần xã hội.
Hoàng tử gật đầu rồi nói: Vậy thì những tín ngưỡng dị đoan này là bởi tại cái óc trống, nên những chuyện lầm lạc phi lý hay nhiễm vào; chớ chi cái óc học thức rộng rãi, tư tưởng cao xa thì sự phi lý lầm lạc kia không bao giờ nhiễm vào người ta cho được….”
(GLPQ, Trg 174 – 175; Nguyễn Hữu Ngởi, Chợ Lớn, 1932)
Nếu thờ cúng nhiều mà phát triển giàu mạnh thì VN bây giờ phải là quốc gia hùng cường nhất thế giới. Nhân tháng “Cô hồn”, tôi chép lại đoạn hội thoại có bối cảnh lịch sử đã xảy ra cách nay 230 năm để mọi người cùng suy niệm, từ đó mà bỏ bớt những thứ tà mị dị đoan, gây ra sự dây dưa khổ sở cho nhiều đời con cháu nước Nam sau này.
- Lê Văn Tích -